TỔ TIẾNG ANH-TIN HỌC -THỂ DỤC-ÂM NHẠC
Giáo viên: Võ Thị Thuỳ Trang
BÀI DỰ THI CHÀO MỪNG 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM
(20/11/1982-20/11/2023)
Trong cuộc đời nhà giáo, mái trường luôn là “ngôi nhà thứ hai” - nơi lưu lại những dấu ấn đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi con người. Ở nơi đó, tình thầy trò, đồng nghiệp gắn bó với nhau như ruột thịt và cùng nhau tạo nên những kỉ niệm khó phai.Thời gian cứ thế trôi qua, vậy là thấm thoát đã hơn sáu năm tôi về công tác tại trường THCS Nguyễn An Ninh cũng đủ làm cho tôi cảm nhận được tất cả những điều tốt đẹp nhất từ mái trường của mình với những kỷ niệm còn mãi trong lòng tôi. Ở nơi đây, người để lại cho tôi những kỷ niệm sâu sắc nhất- đó chính là cô Nguyễn Thị Quế Phượng – là giáo viên môn Tiếng Anh và cũng từng là cô giáo dạy Tiếng Anh của tôi thời tôi còn là học sinh THCS.
Thời còn trẻ, cô tôi rất đẹp. Cô đẹp cả về hình dáng lẫn tâm hồn. Cô ăn mặc rất giản dị nhưng vẫn toát lên vẻ sang trọng và dịu dàng của một người mẹ thứ hai ơ trường của chúng tôi. Những ngày tháng học cô, tôi cảm mến và học từ cô rất nhiểu điều về kiến thức cũng như về cuộc sống. Cô giảng dạy rất tận tình, tận tuỵ chăm lo cung cấp kiến thức cho từng học sinh. Thời ấy, tôi biết lương giáo viên không đủ sống, cô vẫn ngày ngày đến trường để làm người lái đò đưa học sinh qua bến bờ kiến thức hết con đò này đến con đò khác. Cô chính là động lực và cũng là người truyền lửa cho tôi để đi vào con đường giáo dục. Tôi còn nhớ, cô nói: “ dạy thì vất vả nhưng vui, vất vả là vì phải tìm ra phương pháp phủ hợp để thu hút và giảng dạy cho các em hiểu bài và đôi lúc còn bị áp lực vì công việc, còn vui là vì nhìn thấy từng lớp học sinh mình trưởng thành và thành đạt. Khi cô đem niềm vui đến cho các em là cô vui như chính bản thân mình được ai ban phúc. ” Những ngày tháng học với cô, tôi luôn càm nhận được sự nhiệt huyết, tận tâm và giúp đỡ tôi cũng như những học sinh khác. Cô luôn đưa ra những phương pháp thu hút và dễ hiểu để chúng tôi tiếp thu bài một cách tốt nhất. Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, cô luôn hỏi thăm và giúp đỡ trong khả năng của mình.
Hai mươi ba năm sau, tôi không còn là học sinh ngày nào của cô nữa. Tôi đã thành đồng nghiệp của cô và may mắn là lại được công tác cùng trường với cô. Tôi vẫn cảm giác được sự ấm áp và ngọn lửa yêu thương mà cô dành cho các thế hệ học sinh mà cô đã và đang dạy. Đối với tôi , tôi cảm nhận cô không chỉ là một người cô đáng kình mà còn là người bạn, người chị luôn chỉ bảo giúp tôi cũng như đồng nghiệp về chuyên môn, các kỹ năng sư phạm để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cô luôn động viên, chia sẻ kịp thời với những thành tích mà các đồng nghiệp đạt được, với những hạn chế, khuyết điểm cần sửa chữa cô chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở để rút kinh nghiệm cho những lần sau. Trong các đợt thi đua chào mừng, sinh hoạt chuyên môn, các đợt thi giáo viên dạy giỏi, thi học sinh giỏi các cấp cô luôn sát cánh cùng tham gia với giáo viên và học sinh. Với học sinh, cô là người lái đò tận tụy hết lòng với nghề, với các thế hệ học sinh. Nếu cha mẹ là người sinh ra các em thì cô chính là người mẹ thứ hai đã dạy cho tôi, đã dạy cho học sinh kiến thức, truyền đạt cho các em biết bao điều hay lẽ phải về kĩ năng sống, giúp các em nên người. Những bài giảng của cô trên lớp luôn khiến cho các em say sưa học bài, hứng thú. Những điều đầu tiên cô dạy học sinh là những lời dạy bảo ân cần về ý thức và trách nhiệm đối với bản thân, trường, lớp, trong học tập và rèn luyện. Cô là người rất thẳng thắn và nghiêm khắc, nhưng cũng là người rất giàu tình cảm với mong muốn các em trưởng thành và trở thành những con người tốt, có ích cho đất nước. Cô dạy cho các em biết nói lời cảm ơn, biết nói lời xin lỗi, cô giúp cho các em tạo ra một cuốn sổ với thật nhiều trang viết với hình ảnh thú vị. Cô luôn tìm cách để thấu hiểu được học trò chúng tôi và nâng đỡ cho những bước chân ngây dại của các em. Rồi là những nụ cười khi thấy những đứa học sinh của mình đạt điểm cao, đạt nhiều thành tích cao trong học tập, đang dần trưởng thành theo năm tháng. Rồi là những giọt nước mắt đượm buồn khi thấy học sinh của mình bị điểm kém, không nghe lời, lười học. Những lúc như vậy, cô thường gần gũi động viên học sinh nhiều hơn là quát mắng. Với tấm lòng rộng mở của cô, có nghiêm khắc nhưng rất mực thông cảm với học trò của mình, sự sâu sắc và gần gũi của cô và còn vô vàn những điều khác nữa, đó phải là cả một tâm hồn, một trái tim dành cho các em, và dẫu đó chỉ là tình cảm một chiều của cô, cho những gì mà cô đã dành trọn vẹn nửa đời người cho sự nghiệp trồng người.
Trong thời gian công tác cùng cô, tôi luôn học được ở cô rất nhiều điều để trở thành một người giáo viên mẫu mực. Cô luôn luôn động viên tôi trong công việc cũng như mọi vấn đề khi tôi gặp khó khăn trong cuộc sống. Tôi cảm phục ở cô một điều là mặc dù cô từng là giáo viên giảng dạy của tôi nhưng không vì thế mà cô áp đặt cho tôi dạy theo phương pháp của cô. Ngược lại, cô luôn hỏi tôi về những phương pháp giảng dạy mới mà tôi đã học được trong chương trình giảng dạy mới và vận dụng trong quá trình giảng dạy của mình. Tôi luôn thầm cảm ơn, cảm ơn thật nhiều tới cô – một người giáo viên mẫu mực, người đã hết lòng vì học sinh bằng một tình cảm trọn vẹn nhất như cố Thủ tường Phạm Văn Đồng đã nói: “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.
Thắm thoát mà đã hai lần ngày nhà giáo Việt Nam, tôi đã không còn được gặp cô nữa. Giờ cô đã đi xa. Căn bệnh ung thư tàn ác đã cướp đi người cô đáng kính của tôi khi cô mới về hưu được ba năm. Tôi nhớ lại lần đầu tiên về trường, tôi còn được đứng trên sân khấu để hát cùng cô vào ngày 20 tháng 11, ngày nhà giáo Việt Nam và rồi lần cuối cùng tôi được cô chở từ nhà cô vào trường để dự lễ. Sáng hôm đó, tôi và một đồng nghiệp của tôi đến thăm cô. Cô vui lắm. Và cô đồng nghiệp của tôi phài về trường sớm lo lễ nên tôi ở lại và đợi cô đi. Tôi nhớ lúc đó tôi nói: Cô để em chở cô đi” thì cô bảo “ Cô còn khoẻ mà, để cô chở cho. Xe cô, em không quen chạy đâu.” Và rồi cô chở tôi trên chiếp cúp 50 mà cô từng dùng để đi dạy tôi thời xưa ấy. Ngồi sau cô chở, tôi ôm cô mà hạnh phúc. Nhìn vóc dáng gầy guộc vì cơn bệnh quái ác đã hành hạ cô, tôi thương cô lắm, sợ rằng đến lúc nào đó tôi không còn được cô chở như vậy nữa. Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, tôi đã thật sự mất đi người cô mà mình yêu quý nhất. Ước gì, ngày lễ nhà giáo năm nay tôi còn được hát cùng cô, ước gì tôi còn được ngồi ôm cô chở tôi đi dự lễ như năm nào, ước gì… Tất cả giờ chỉ còn là ký ức về cô. Mãi yêu cô.